Đó cũng là lý do vì sao hiện tại, các hãng xe rất dè dặt trong việc đưa ra giá bán niêm yết chính thức cho các mẫu xe nhập khẩu vừa mới ra mắt hoặc sắp sửa tung ra thị trường của mình. Đơn cử như mẫu xe Audi Q7 vừa được ra mắt tại triển lãm quốc tế, nhưng Audi cũng mới chỉ cung cấp giá bán ước tính tạm thời khoảng từ 3 tỷ đồng. Theo luật thuế mới, rất có thể chỉ sau tết dương lịch, giá xe sẽ lên khoảng 3,6 tỷ, tức là cao hơn 600 triệu đồng cho bản 2.0.
Lo ngại việc điều chỉnh cách tính thuế TTĐB mới có hiệu lực từ 1/1/2016 sẽ làm tăng giá xe, khiến giảm doanh số bán, 8 nhà nhập khẩu xe lớn đồng loạt kiến nghị lên Chính Phủ.
Ngày 18/11, các nhà nhập khẩu ôtô tại Việt Nam gồm: công ty THHH Ôtô Á Châu (nhập khẩu xe Audi), công ty TNHH CT-Wearnes Vietnam (nhập khẩu xe Bentley và Lamborghini), công ty cổ phần ôtô Âu Châu (nhập khẩu xe BMW và MINI), công ty cổ phần ôtô UK (nhập khẩu xe Jaguar và Land Rover), công ty Auto Motors Việt Nam (nhập khẩu xe Renault), công ty cổ phẩn ôtô Regal (nhập khẩu xe Rolls-Royce), công ty TNHH ôtô Hình Tượng Ôtô Việt Nam (nhập khẩu xe Subaru) và công ty TNHH ôtô Thế Giới (nhập khẩu xe Volkswagen) đã có cuộc họp khá khẩn trương và gấp gáp. Theo như thông cáo báo chí đưa ra với truyền thông, 8 nhà nhập khẩu cùng ngồi lại với nhau để thống nhất tổ chức Triển lãm ôtô quốc tế lần thứ 2 tại TP. HCM. Tuy nhiên, triển lãm VIMS 2015 mới kết thúc 1 tháng, còn quá sớm để nói về VIMS 2016. Trong khi đó, ai cũng rõ một vấn đề cực kỳ cấp bách và hiển nhiên đang đe dọa trực tiếp đến việc kinh doanh của các nhà nhập khẩu ô tô là việc thay đổi cách tính thuế TTĐB mới có khả năng đi vào thực tế từ 1/1/2016 mới là vấn đề nóng hổi và sát sườn hơn cả.
Sau buổi họp báo, đại diện các nhà nhập khẩu ôtô được ủy quyền chính hãng đã gửi đi một bức thư mang nội dung quan trọng liên quan tới việc tính thuế TTĐB trình lên chính phủ.
8 nhà nhập khẩu ô tô chính hãng bày tỏ ý kiến khẩn cấp
Trong thư, 8 nhà nhập khẩu đã bày tỏ “ý kiến khẩn cấp” về việc Quốc hội đang tiến hành bàn bạc về dự luật để thay đổi, bổ sung thuế TTĐB dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 sau khi đã ban hành (vào ngày 28/10) Nghị định 108/2015/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành và bổ sung một số điều của luật thuế TTĐB cũng có hiệu lực từ đầu năm sau.
Các nhà nhập khẩu cho rằng việc thay đổi chính sách về thuế quá nhanh chóng sẽ gây khó khăn lớn cho doanh nghiệp nói chung để có thể theo sát các thay đổi trong chính sách thuế và điều chỉnh kinh doanh cho phù hợp.
Đại diện 8 nhà nhập khẩu đánh giá việc này sẽ gây nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như sự phát triển bền vững của ngành ôtô Việt Nam, đồng thời gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến sức mua của cả ngành ôtô nói riêng.
Với những lý lẽ đó, 8 nhà nhập khẩu đã đưa ra 2 kiến nghị sau:
- Đổi thời gian áp dụng nghị định 108/2015/NĐ-CP dự tính vào ngày 1/7/2016 để các doanh có thời gian hiểu đúng cách tính thuế mới, áp dụng và lập kế hoạch hoạt động, đầu tư, nhân sự…, tránh xáo trộn kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng.
- Bộ Tài Chính nên tổ chức cuộc họp lấy ý kiến của các nhà nhập khẩu được ủy quyền chính hãng và các nhà lắp ráp, sản xuất trong nước để thống nhất và đảm bảo ổn định kinh doanh, người lao động, thị trường, người tiêu dùng trước khi phê duyệt cách tính thuế TTĐB và ban hành áp dụng. Bộ Tài Chính nên tổ chức hướng dẫn cách thức triển khai, áp dụng dự luật trong thực tiễn nhằm tránh cách hiểu sai.
Thay đổi cách tính thuế TTĐB, giá xe nhập khẩu có thể tăng lên 20%
Động thái "như ngồi trên đống lửa" của 8 doanh nghiệp nhập khẩu xe được ủy quyền chính hãng không có gì ngạc nhiên, bởi cách tính thuế TTĐB mới sẽ tác động trực tiếp đến giá xe nhập khẩu của họ, có thể làm giá xe tăng đến 20%.
Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi sẽ trình bày lại theo Nghị định 108/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô dưới 24 chỗ được quy định như sau:
- Thứ nhất:
Điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 108/2015/NĐ-CP quy định đối với cơ sở nhập khẩu ô tô dưới 24 chỗ, giá làm căn cứ tính thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán của cơ sở nhập khẩu nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe nhập khẩu. Giá vốn xe nhập khẩu gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế TTĐB tại khâu nhập khẩu. Nếu giá bán của cơ sở nhập khẩu thấp hơn 105% giá vốn xe NK thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.
Theo quy định cũ, giá tính thuế chỉ là giá CIF ( giá tại cửa khẩu của bên Nhập, bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên Nhập) nhập tại cảng kèm thuế nhập khẩu. Như vậy, giá thuế tiêu thụ đặc biệt phải cộng thêm một phần lợi nhuận, chi phí, cước vận chuyển từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối cho người tiêu dùng.
- Thứ hai:
Cũng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 4 Nghị định 108/2015/NĐ-CP, đối với cơ sở sản xuất, lắp ráp, giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá bán của cơ sở sản xuất nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại bán ra.
Giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại để so sánh là giá bán chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở kinh doanh thương mại lắp đặt thêm theo yêu cầu khách hàng.
Nếu giá bán của cơ sở sản xuất, lắp ráp thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở kinh doanh thương mại bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.
Có thể thấy, quy định tính thuế mới này tác động nhiều đến xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước. Việc tăng hay giảm giá xe ô tô dưới 24 chỗ ngồi sẽ còn tùy thuộc vào tình hình thị trường, doanh nghiệp nhưng hầu hết sẽ có nguy cơ tăng từ 5-20% so với giá hiện hành.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm, hầu hết các doanh nghiệp lắp ráp trong nước thuộc khối VAMA cũng có một tỷ lệ không nhỏ các sản phẩm là xe nhập khẩu. Tức là, theo cách tính mới của chính phủ, cả VAMA lẫn VIVA đều bị tác động lớn, trong đó, chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các doanh nghiệp nhập khẩu VIVA.
Đó là chưa kể đến các dòng xe sang có dung tích xylanh lớn từ 3.0L trở lên còn có khả năng chịu mức thuế nhập khẩu cao hơn trước nhiều từ tháng 7 năm 2016, khiến giá xe lại bị "đội" thêm một tầng nữa.
Còn mẫu xe Ford Everest, một mẫu xe nhập khẩu đang rất "hot" của đại diện thuộc VAMA Ford Việt Nam, cũng chịu chung số phận mập mờ về giá khi khách hàng phải chấp nhận đặt hàng với giá "tạm tính" mà chưa biết, thực tế mình sẽ phải trả bao nhiêu khi thời điểm giao xe là sau 1/1/2016 tới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét